Cho con ăn dặm sớm không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển của con ở hiện tại mà còn tác động xấu đến quá trình tăng trưởng những năm đầu đời. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cho con ăn dặm từ rất sớm so với khuyến cáo của các tổ chức y tế. Vậy cho trẻ ăn dặm sớm có ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ không? Các tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm là gì? Cùng tìm hiểu cụ thể các nội dung này trong bài viết dưới đây của NutriHeight Vietnam nhé.
Trẻ ăn dặm sớm là gì?
Tổ chức Y tế Thế Giới và một số tổ chức Y tế uy tín khác khuyến cáo độ tuổi bắt đầu cho trẻ ăn dặm phù hợp là 6 tháng, tương ứng 180 ngày tuổi. Nếu cho con bắt đầu ăn dặm trước mốc 180 ngày tuổi được xem là ăn dặm quá sớm.
Dù mẹ chọn cho con ăn dặm bằng các loại bột ăn dặm hay cháo rây thì thời điểm bắt đầu vẫn phải đạt mốc 180 ngày tuổi. Việc cho con ăn dặm trước hay sau mốc 180 ngày tuổi đều không có lợi cho sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.
Tác hại của việc cho trẻ ăn dặm sớm
Cho con ăn dặm sớm có thể gây ra những tác hại sau đây:
Dễ bị dị ứng thức ăn
Trước thời điểm đủ 180 ngày tuổi, hệ tiêu hoá của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, chưa sẵn sàng để tiêu hoá thức ăn khác ngoài sữa. Cho con ăn dặm sớm, hệ tiêu hoá phải tiếp nhận những thức ăn lạ sẽ tăng nguy cơ bị dị ứng thực phẩm.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị ứng một hoặc một số loại thực phẩm là khoảng 8-10%. Khi còn quá nhỏ, dù có thể cơ địa của con không bị dị ứng với thực phẩm đó, nhưng khi hệ tiêu hoá còn yếu sẽ tìm các đào thải thực phẩm lạ ra ngoài, với các biểu hiện giống dị ứng. Do đó, mẹ đừng vội vàng cho con ăn dặm quá sớm.
Béo phì
Nguy cơ béo phì ở những trẻ ăn dặm sớm cao hơn so với trẻ ăn dặm đúng thời gian. Nhiều trẻ ăn dặm sớm và thích nghi với khẩu phần ăn giàu năng lượng từ các bữa ăn dặm có thể khiến cân nặng tăng quá đà, gây ra béo phì. Bên cạnh đó, tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ phát hiện, nếu cho trẻ ăn các loại ngũ cốc trước thời điểm 4 tháng tuổi sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ.
Tổn thương thận
Khi ăn dặm sớm, hệ tiêu hoá không thể xử lý hết thực phẩm từ các bữa ăn do không có đủ chất nhầy, dịch tiêu hoá, enzyme… Quá trình phân cắt tinh bột, đạm, chất béo… thành các mảnh nhỏ để cơ thể sử dụng chưa thực sự ổn định. Lúc này, thận của trẻ, vốn vẫn còn yếu sẽ là nơi lắng đọng các cặn thực phẩm này, dễ bị tổn thương.
Rối loạn tiêu hoá
Trước 6 tháng, hệ tiêu hoá của trẻ chỉ phù hợp để tiêu hoá sữa mẹ, chưa đủ các yếu tố cần có để tiêu hoá được tinh bột hay các thức ăn khác. Trẻ có nguy cơ bị tiêu chảy, đi ngoài phân sống… khi ăn dặm quá sớm.
Tổn thương dạ dày
Dạ dày là cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hoá, nơi xử lý thức ăn. Khi chưa đủ 6 tháng tuổi, dạ dày của trẻ còn rất yếu, niêm mạc bề mặt cũng như lớp dịch nhầy bảo vệ dạ dày còn rất mỏng. Nếu cho trẻ ăn dặm vào lúc này, dạ dày co bóp để xử lý thức ăn sẽ làm tổn thương dạ dày, gây ra đau dạ dày ở trẻ.
Cho trẻ ăn dặm sớm có ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ không?
Với những tác động kể trên, dễ dàng nhận ra, việc cho trẻ ăn dặm sớm sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Các vấn đề về tiêu hoá, tổn thương dạ dày ở trẻ ăn dặm sớm sẽ cản trở cơ thể hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn, bao gồm sữa mẹ. Lâu dài sẽ gây thiếu hụt dinh dưỡng, dù trẻ đã bú sữa mẹ, sữa công thức hay ăn dặm đủ chất ở giai đoạn sau.
Khi thiếu chất, hệ xương không thể tăng trưởng hết tiềm năng, khiến chiều cao phát triển thấp hơn chuẩn. Trong khi đó, 2 năm đầu đời là một trong những giai đoạn vàng trong tăng trưởng thể chất. Chiều cao có thể tăng đến 25cm trong năm đầu đời và 10-12cm trong năm thứ 2.
Ngoài ra, với những trẻ bị béo phì từ nhỏ do ăn dặm sớm, có thể sẽ duy trì tình trạng béo phì khi lớn lên. Béo phì là tác nhân dẫn đến dậy thì sớm. Trẻ bị dậy thì sớm có ít thời gian để phát triển chiều cao hơn. Theo đó, khó đạt chiều cao chuẩn khi trưởng thành.
Các tổn thương ở thận, dạ dày do ăn dặm sớm gây ra cũng khiến sức khoẻ của trẻ bị suy giảm, giảm khả năng vận động của bé, khiến con ngủ không ngon giấc. Các yếu tố này cũng gây bất lợi cho quá trình phát triển chiều cao của con.
Lưu ý khi cho con ăn dặm để chiều cao tăng trưởng tốt
Để con tăng trưởng chiều cao tốt trong những năm tháng đầu đời và suốt hành trình phát triển, cha mẹ nên chú ý một số điểm sau đây khi cho con ăn dặm:
– Thời điểm cho con ăn dặm: Bắt đầu cho con ăn dặm từ thời điểm con đủ 180 ngày tuổi. Cũng không nên cho con ăn dặm quá muộn. Khi đủ 6 tháng tuổi, con cần nhiều năng lượng, dinh dưỡng hơn. Nếu chỉ bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức, con sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động, không đủ dinh dưỡng để phát triển thể chất.
– Cách thức ăn dặm: Hiện nay có rất nhiều hình thức cho trẻ ăn dặm, mỗi cách đều có những ưu điểm nổi bật nhất định. Tuỳ quan điểm của mình mà cha mẹ có thể cho con ăn dặm theo 1 trong các phương pháp sau đây:
+ Ăn dặm truyền thống: Phương pháp ăn dặm này được nhiều mẹ bỉm lựa chọn cho con. Các thực phẩm trong bữa ăn của con như thịt cá, rau, cháo sẽ được xay nhuyễn chung với nhau, sau đó tăng dần độ thô lên tuỳ vào khả năng của trẻ. Cách ăn dặm này khá an toàn cho hệ tiêu hoá nhưng cũng khiến bé gặp khó khăn trong quá trình nhận biết mùi vị của từng thực phẩm.
+ Ăn dặm tự chỉ huy: Hình thức ăn dặm này được áp dụng khá nhiều tại các nước phương Tây. Bé sẽ tự bốc thức ăn để ăn mà không cần mẹ đút. Thức ăn của trẻ cũng không phải là cháo hay thịt cá xay nhuyễn mà là đồ ở dạng thô, được nấu mềm và cắt thành từng miếng vừa tay cầm của trẻ. Hình thức ăn dặm này rèn cho bé ăn thô ngay từ nhỏ và dễ dàng khám phá các mùi vị thực phẩm. Tuy nhiên, mẹ sẽ tốn rất nhiều thời gian để chuẩn bị cũng như dọn dẹp, trẻ cũng dễ bị hóc.
+ Ăn dặm kiểu Nhật: Thay vì trộn chung thực phẩm trong 1 bát như ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật vẫn nấu mềm và xay nhuyễn thực phẩm nhưng sẽ để riêng từng thực phẩm, cho trẻ ăn riêng để nhận diện mùi vị từng món ăn. Do đó, mẹ cũng sẽ tốn nhiều thời gian để nấu nướng và dọn dẹp sau bữa ăn cho trẻ.
– Lựa chọn thực phẩm ăn dặm phù hợp: Khi mới bắt đầu ăn dặm, trẻ chưa thể ăn được rau củ hay thịt cá. Trong 5-7 ngày đầu, mẹ chỉ nên cho con ăn cháo trắng đã được lọc qua rây thật mịn để hệ tiêu hoá làm quen với thực phẩm khác ngoài sữa. Tiếp theo đó mới cho con ăn các loại rau củ như bí đỏ, bông cải xanh, khoai tây, cà rốt… Sau khoảng 1 tháng kể từ khi ăn dặm mới cho con ăn thịt như thịt heo, thịt gà, các loại cá có thịt màu trắng… Tôm, cua, mực, ếch… chỉ phù hợp với các bé từ 8 tháng tuổi trở lên.
– Thứ tự ăn dặm: Trong thời gian đầu, nên cho con ăn thức ăn loãng, sau đó mới đến đặc. Nếu cho con ăn bột ăn dặm, nên bắt đầu từ bột ngọt, sau đó mới chuyển qua bột mặn. Khi mới ăn dặm, chỉ nên cho trẻ ăn 1 bữa/ngày, có thể là bữa trưa hoặc bữa tối. Lượng ăn của trẻ đầu tiên sẽ rất ít, sau đó tuỳ theo nhu cầu ăn của trẻ mà tăng dần cả về lượng và số bữa trong ngày lên 2, lên 3 bữa/ngày.
Tránh các thói quen xấu khi ăn: Khi bắt đầu cho con ăn dặm, nên xây dựng kỷ luật bàn ăn. Nên cho trẻ ngồi vào ghế ăn dặm khi ăn để trẻ nhận biết bữa ăn đang bắt đầu. Cho trẻ ăn tập trung, không vừa ăn vừa xem tivi, vừa ăn vừa chơi. Không cho trẻ ăn rong.
– Lịch trình ăn uống khoa học: Nên cho con ăn vào các khung giờ cố định trong ngày để hệ tiêu hoá sẵn sàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ tiêu hoá thức ăn của mình. Bữa ăn của trẻ không nên kéo dài quá 30 phút. Nếu hết 30 phút mà trẻ vẫn chưa ăn xong, nên kết thúc bữa ăn.
– Thực đơn ăn dặm đủ chất: Từ khoảng 7 tháng trở đi, thực đơn ăn dặm của con phải bổ sung đủ 4 nhóm chất: Đạm, tinh bột, chất béo, vi khoáng để giúp cung cấp năng lượng và dưỡng chất để cơ thể con phát triển tốt. Ngoài ăn dặm, trẻ vẫn phải được duy trì bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức 3-5 lần/ngày để bổ sung đủ dinh dưỡng. Trước 1 tuổi, sữa vẫn được xem là thức ăn chính của trẻ.
Ăn dặm đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ và sự phát triển của trẻ từ thời điểm đủ 6 tháng trở đi. Tuy nhiên, cho trẻ ăn dặm quá sớm, trước mốc 180 ngày tuổi có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và quá trình phát triển chiều cao của con. Cha mẹ nên tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ về cách cho con ăn dặm an toàn để hành trình ăn dặm của con hiệu quả và vui vẻ nhất.