Trẻ biếng ăn có ảnh hưởng đến chiều cao không?

Trẻ biếng ăn là thực trạng khá phổ biến, khiến nhiều phụ huynh áp lực, mệt mỏi. Quan trọng hơn, biếng ăn trong thời gian dài có thể tác động xấu đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Bài viết sau đây của NutriHeight Vietnam sẽ chia sẻ một số thông tin về biếng ăn ở trẻ, trẻ biếng ăn có ảnh hưởng đến chiều cao không và cách khắc phục, giúp cha mẹ chăm sóc ăn uống tốt hơn, khỏe mạnh hơn.

Biếng ăn là gì?

Tình trạng biếng ăn thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 1-6 tuổi. Biếng ăn là tình trạng trẻ ăn rất ít trong mỗi bữa, lượng thức ăn ít hơn so với nhu cầu năng lượng của trẻ. Trẻ cũng có thái độ khó chịu, không hợp tác trong bữa ăn. Chỉ khi cha mẹ dỗ dành, dọa nạt mới ăn nhưng chỉ ăn rất ít, dẫn đến tăng trưởng chậm.

Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ 1-6 tuổi
Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ 1-6 tuổi

Biểu hiện của biếng ăn:

  • Trẻ khó chịu, quấy khóc khi đến bữa ăn
  • Trẻ chỉ ăn một vài món ăn và kiên quyết từ chối những thức ăn khác
  • Trẻ ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nhau
  • Sức ăn kém, ăn rất ít so với trẻ cùng tuổi
  • Thời gian ăn mỗi bữa kéo dài từ 30 phút trở lên
  • Cân nặng và chiều cao tăng trưởng chậm

Trẻ biếng ăn có thể do các nguyên nhân sau đây:

Cha mẹ chăm sóc chưa đúng: Một số cha mẹ khi thấy con ăn ít thường cố gắng dỗ dành con ăn thêm, kéo dài thời gian của mỗi bữa ăn quá lâu, để trẻ ngậm thức ăn lâu. Điều này dẫn đến trẻ chỉ thích ăn cháo, ăn thô kém, không ăn những thức ăn dạng thô như rau củ, cơm, thịt cá…

– Sắp xếp bữa ăn chưa hợp lý: Bố trí bữa ăn của con quá dày, trẻ chưa tiêu hóa hết thức ăn của bữa trước vẫn còn no nhưng đã đến bữa tiếp theo. Việc này hình thành tâm lý sợ ăn, trẻ không biết cảm giác no hay đói khác nhau như thế nào.

Trẻ không tập trung khi ăn: Một vài phụ huynh tập cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, vừa ăn vừa chơi đồ chơi, bế con đi ăn rong, khiến con không tập trung vào bữa ăn, không có cảm giác thèm ăn, gây ra tình trạng biếng ăn.

Vừa ăn vừa xem điện thoại là một thói quen xấu của trẻ
Vừa ăn vừa xem điện thoại là một thói quen xấu của trẻ

Chế biến món ăn không hợp khẩu vị: Món ăn mà cha mẹ chế biến không hợp khẩu vị của trẻ, ép trẻ ăn nhiều những thực phẩm mà trẻ không thích, không biết cách nấu ăn phù hợp với khả năng ăn uống và độ tuổi của trẻ cũng khiến con sợ ăn, khó chịu khi đến bữa ăn.

Quát mắng con trong bữa ăn: Việc con không ăn, ăn ít gây ức chế cho cha mẹ, dẫn đến hành động quát mắng, đánh đập con trong bữa ăn. Không khí bữa ăn căng thẳng khiến con lo sợ, không muốn ăn uống.

Trẻ gặp phải vấn đề sức khỏe: Một vài vấn đề sức khỏe khiến con không có khẩu vị ăn uống, ăn uống ít hơn so với nhu cầu năng lượng:

  • Trẻ mọc răng, bị bệnh răng miệng
  • Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đau bụng
  • Trẻ bị nhiễm vi khuẩn, virus gây ra các bệnh lý như tai mũi họng, đường ruột, sốt, mệt mỏi, dẫn đến biếng ăn.

Tác hại của biếng ăn đối với trẻ

Trẻ biếng ăn trong thời gian dài có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng sau đây:

Thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn tăng trưởng

Trẻ biếng ăn trong 2 năm đầu đời, tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân sẽ cao hơn gấp 3 lần so với trẻ ăn uống tốt. Biếng ăn khiến cơ thể trẻ bị thiếu hụt các vi chất quan trọng, dẫn đến hệ quả xấu: Thiếu vitamin A gây khô mắt thị lực kém, thiếu vitamin B1 gây tê phù, thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, không đủ vitamin D và canxi gây còi xương, rối loạn tăng trưởng….

Biếng ăn có thể gây chậm lớn, suy dinh dưỡng ở trẻ
Biếng ăn có thể gây chậm lớn, suy dinh dưỡng ở trẻ

Phát triển trí não chậm

Trẻ dễ bị thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển não bộ như protein, Omega 3-6, DHA, sắt, taurine… dẫn đến phát triển trí tuệ kém trong những năm đầu đời cũng như về sau.

Suy giảm miễn dịch

Hệ miễn dịch của trẻ chỉ hoạt động tốt nếu cơ thể được bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Với trẻ biếng ăn, dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng làm cho hệ miễn dịch suy giảm. Trẻ biếng ăn có số ngày bệnh cao hơn 29%, nguy cơ viêm đường hô hấp nhiều hơn 45% so với trẻ bình thường.

Ảnh hưởng đến chỉ số phát triển cảm xúc

Với những trẻ biếng ăn kéo dài, có xu hướng thụ động, khó hòa nhập khi tiếp xúc với bạn bè cùng tuổi, trong môi trường học tập. Nguy hiểm hơn, con có thể bị tự kỷ, học tập kém, khó có được cuộc sống hạnh phúc và thành công.

Trẻ biếng ăn có ảnh hưởng đến chiều cao không?

Dễ dàng nhận ra, biếng ăn có thể là nguyên nhân dẫn đến thấp lùn ở trẻ. Khi trẻ biếng ăn, cơ thể sẽ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển chiều cao như canxi, vitamin D, kẽm… Xương không có đủ nguyên liệu thiết yếu sẽ chậm phát triển, còi xương, khiến trẻ chậm lớn và thấp bé.

Việc hệ miễn dịch suy giảm, trẻ thường xuyên đau ốm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chiều cao. Nguồn dinh dưỡng nạp vào vốn đã ít, nay phải san sẻ để phục hồi cơ thể sau đau ốm, không đủ để phục vụ cho quá trình tăng trưởng thể chất.

Dinh dưỡng không khoa học do biếng ăn cũng gây rối loạn sản xuất hormone tăng trưởng. Loại hormone này trực tiếp chi phối quá trình phát triển xương và cơ. Khi hormone được sản xuất quá ít, trẻ khó đạt được chiều cao chuẩn.

Biếng ăn cũng dẫn đến thiếu hụt năng lượng, trẻ không có thể lực tốt để vận động thể thao. Trong khi đó, vận động cũng chi phối đến 20% quá trình phát triển chiều cao tự nhiên của trẻ.

Cách chăm sóc trẻ biếng ăn phát triển chiều cao tốt

Với trẻ đang bị biếng ăn, để con có được chiều cao đạt chuẩn, cha mẹ nên chú ý một số yếu tố quan trọng sau đây trong quá trình chăm sóc hằng ngày.

Lựa chọn thực phẩm khoa học: Trẻ biếng ăn không phải thực phẩm nào con cũng ăn, món ăn nào con cũng ăn. Do đó, quá trình lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn của con phải có sự tính toán, làm sao vừa hợp với sở thích của con vừa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Cha mẹ nên liệt kê thực phẩm con thích ăn, con không thích ăn ra. Thực hiện kết hợp cả 2 nhóm thực phẩm trong 1 món ăn một cách khéo léo để giúp con ăn uống ngon miệng, đủ chất. Nếu con thích ăn trứng nhưng lười ăn rau. Mẹ có thể kết hợp trứng và rau, cắt nhỏ rau củ và chiên cùng trứng để làm món trứng chiên rau củ. Trẻ có thể hứng thú với món ăn có rau và ăn ngon miệng hơn.

Lựa chọn thực phẩm khoa học cho bữa ăn của con
Lựa chọn thực phẩm khoa học cho bữa ăn của con

Chế biến món ăn hợp khẩu vị của trẻ: Trong giai đoạn đầu cải thiện biếng ăn cho trẻ, nên ưu tiên các thực phẩm, món ăn hợp khẩu vị của con để trẻ hình thành sự thích thú với bữa ăn, chờ đợi bữa ăn hơn.

Trang trí món ăn bắt mắt: Trẻ nhỏ rất thích các món ăn có màu sắc bắt mắt, trang trí độc đáo. Do đó thay vì chỉ múc thức ăn ra khay, mẹ có thể trổ tài trang trí món ăn, biến khay thức ăn thành một bức tranh có hình dáng độc đáo để trẻ thích thú và ăn uống ngon miệng hơn.

Bố trí bữa ăn phù hợp: Mỗi ngày trẻ nên ăn 5-6 bữa với 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Bữa sáng nên bắt đầu trong khung giờ 6h-8h, sau khoảng 1.5 – 2 tiếng, trẻ có thể ăn 1 bữa phụ nhẹ. Từ 11h -12h trưa là thời điểm cho bữa trưa. 2h30 – 3h là thời gian cho bữa phụ thứ 2 trong ngày. Bữa tối có thể bắt đầu khoảng 6h – 7h tối. Nếu trẻ hợp tác, có thể bố trí thêm 1 bữa phụ khoảng 9h tối trước khi con ngủ. Với các bữa phụ, chỉ nên cho con ăn nhẹ như uống sữa, ăn 1 hũ sữa chua, ăn một ít trái cây để bổ sung năng lượng. Tránh cho con ăn uống quá nhiều trong 1 bữa, ăn dồn dập các bữa chồng chéo nhau, có thể khiến con không có cảm giác đói, chán ăn.

Tạo không khí thoải mái trong bữa ăn: Trong bữa ăn của trẻ, nên cho con ngồi trên ghế ăn, tập trung vào việc ăn uống, không cho con vừa ăn vừa chơi hay vừa ăn vừa xem tivi. Nếu trẻ không ăn hoặc ăn uống mất tập trung, cha mẹ có thể nhắc nhở con tối đa 3 lần một cách nhẹ nhàng, tránh quát mắng hay đánh đập trẻ. Nếu con vẫn không ăn, nên thu dọn bữa ăn và chờ đến bữa tiếp theo.

Không khí bữa ăn vui vẻ giúp con ăn được nhiều hơn
Không khí bữa ăn vui vẻ giúp con ăn được nhiều hơn

Chế độ sinh hoạt khoa học: Bên cạnh việc cải thiện bữa ăn cho con, cha mẹ cũng cần chú ý hướng dẫn con thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học như vận động hằng ngày, ngủ sớm và đủ giấc… để nâng cao sức khỏe, thể lực và hỗ trợ chiều cao phát triển tốt.

Sử dụng sản phẩm dinh dưỡng: Các sản phẩm dinh dưỡng sẽ bổ sung thêm những dưỡng chất thiết yếu để con khỏe mạnh và phát triển tốt. Một số sản phẩm còn chứa thành phần hỗ trợ tiêu hóa, kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn. Với trẻ biếng ăn, việc kích thích khẩu vị và bổ sung dưỡng chất sẽ giúp con ăn uống tốt hơn, phát triển thuận lợi. Cha mẹ nên tìm hiểu thông tin thật kỹ và chọn cho con một sản phẩm dinh dưỡng uy tín.

Biếng ăn trong thời gian dài sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cả về sức khỏe, thể chất cũng như trí tuệ của trẻ. Do đó, cha mẹ nên theo dõi thói quen ăn uống của con, kịp thời can thiệp nếu con có dấu hiệu biếng ăn để giúp con phát triển chiều cao đạt chuẩn và có sức khỏe tốt nhất.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *